Tâm lý yêu thích (Liking/loving tendency)
@Ngài Munger: "Ngoài yêu thích những đối tượng gần gũi như gia đình, bạn bè thuở nhỏ, một người có khả năng rất cao sẽ yêu thích việc được ngưỡng mộ và yêu thích bởi kẻ khác.
Chúng ta thường thấy như thế nào khi một người sẵn sàng phấn đấu cả đời để được ngưỡng mộ và tận tâm yêu thích bởi những người xa lạ mà chẳng liên quan máu mủ gì đến anh ta cả. (@S.A.F.E: chúng tôi cũng là một ví dụ cụ thể khi hằng ngày gắng phấn đấu vì dự án này!).
Xu hướng này nhìn chung tạo ra động lực phấn đấu tích cực cho toàn xã hội, giúp những người cha, mẹ tạo ra của cải để nuôi dạy con cái, giúp con cái phấn đấu để không phụ lòng cha mẹ, giúp những bạn trẻ ngưỡng mộ những tấm gương phấn đấu để trở thành những tấm gương lớn hơn...
Tuy nhiên, một trong những hậu quả tương đối nguy hiểm là khi người yêu thích (liker/lover) bắt đầu dùng thiên hướng tâm lý này để hợp lý hóa cho việc:
- Làm lơ với lỗi lầm, hoàn toàn phục tùng những ý muốn của đối tượng họ yêu thích.
- Ưa thích mọi thứ về đối tượng chỉ vì người ưa thích có cảm tình với chúng.
Loại bỏ tất cả những sự thật để thúc đẩy tình cảm.
@S.A.F.E: Khi đầu tư, ngài quản lý quỹ huyền thoại Peter Lynch đã từng căn dặn việc yêu thích cảm tính quá mức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu nhà đầu tư không làm "bài tập về nhà" - tức là không nghiên cứu kĩ lưỡng. Việc bạn yêu thích ly cafe Starbucks không có nghĩa rằng đây là một khoản đầu tư tốt. Trên kinh nghiệm của chúng tôi, để tránh bẫy tâm lý này, một nhà đầu tư cá nhân lí trí cần phải:
(1) Tìm hiểu kĩ về tỷ trọng lợi nhuận của sản phẩm dịch vụ ta ưa thích: chẳng hạn, mặc dù chúng tôi ưa thích sản phẩm tương ớt Chinsu hay nước khoáng Vĩnh Hảo của Masan, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng MSN một cổ phiếu đắt đỏ, sinh lời kém với các mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, khoáng sản chưa thực sự minh bạch. Cốt yếu bởi vì mảng tiêu dùng chỉ chiếm dưới 30% lợi nhuận hoạt động của MSN.
Một ví dụ khác là chúng tôi nhận thấy nhiều người dân cư của Vinhomes - trở nên "sùng bái" VIC quá mức - bất chấp định giá "tên lửa" của nó và những mảng kinh doanh đốt tiền nghiêm trọng khổng lồ khác như bán lẻ, khách sạn, công nghiệp ôtô. Đây là những thứ tâm lý yêu thích quá mức ta cần tránh để đầu tư thành công một cách dài lâu.
(2) Hiếu rõ và đánh giá khách quan lợi thế cạnh tranh và tình hình tài chính: dù chúng tôi ưa thích nhà sách Phương Nam (HOSE: PNC) và thường xuyên mua hàng ở đó, song khi nghiên cứu kĩ về tình hình tài chính ảm đạm và lợi thế cạnh tranh bị thu hẹp bởi các kênh TMĐT như Tiki, Vinabook, .., chúng tôi biết rằng đây là một khoản đầu tư tôi và bỏ qua thay vì để sự ưa thích cá nhân làm lu mờ lí trí của mình.
(Nguồn: the Golden Newsletter Vietnam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét